CHUỖI MÂN CÔI (MAI KHÔI) Giáo Hội đã đặt ra một lời kinh đặc biệt có liên quan trực tiếp với bí ẩn của đức Maria, đó là chuỗi mân côi. Đó là một thứ kinh cầu đọc theo chuỗi từng hạt một: bắt đầu với dấu thánh giá (giáo huấn đức tin); tiếp theo là kinh Kính mừng nói lên ba đức hạnh thiên chúa: tin, cậy, mến (giáo huấn sống); bộ chuỗi gồm ba sự vui, thương, mừng; mỗi sự suy gẫm về năm “bí mật” của đức Mẹ với Đức Giê-su, đây là những công thức tóm gọn toàn bộ nội dung Tân Ước. Những nhà tư tưởng và thần bí lớn mọi thời đều trân trọng bộ chuỗi, coi đó là nguồn sức mạnh tinh thần và là cánh cửa mở ra bao nhiêu khả thể khác. Ngày nay, một đàng chuỗi được xem là một thứ gì lỗi thời khó chịu, đàng khác, nó được coi là một hứa hẹn thiêng liêng có thể nâng đỡ người ta trong cuộc sống thường nhật và giúp họ có được ý thứcsống tốt hơn. Tôi chưa có kinh nghiệm, nhưng có lẽ mình phải bỏ nhiều thì giờ tập làm quen, rồi mới dần nhận ra được khả năng suy niệm với nó, như các nhà sư Tây-tạng vẫn làm. Có lẽ phải lần hàng trăm, hàng trăm và hàng trăm chuỗi rồi mình mới ngộ ra được; và ngược lại, mình cũng bắt đầu phải tập hiểu mình hơn và nhận ra đâu là tâm điểm của con người mình. Theo Hồng Y, đâu là cái bí ẩn của bộ chuỗi? Nguồn gốc lịch sử bộ chuỗi có từ thời trung cổ. Thời đó, kinh cầu hàng ngày là các Thánh Vịnh. Nhưng hầu hết dân thời đó mù chữ nên không thể đọc được Thánh Vịnh của Kinh Thánh. Vì vậy phải có một Thánh Vịnh thích hợp cho họ, và người ta đã gặp được kinh Kính mừng, trong đó chứa đựng những bí ẩn về cuộc đời Đức Giê-su Ki-tô, và người ta đã xếp lời kinh đó tiếp nhau như xâu chuỗi. Những lời kinh này, khi đọc đi lặp lại trong tinh thần suy niệm, có tác dụng làm con người an tâm, và càng bám vào lời kinh khi đọc, nhất là bám vào hình ảnh Mẹ và hình ảnh Đức Ki-tô trong đó, tâm hồn con người tìm được nỗi yên tĩnh và giải thoát và hướng được lòng lên cùng Chúa. Trên thực tế, chuỗi mân côi nối ta vào cái hiểu biết và kinh nghiệm cội nguồn, đó là sự lặp đi lặp lại. Lặp đi lặp lại là một phần của cầu nguyện và suy niệm, và nó cũng là một thứ nhịp điệu đưa ta vào yên tĩnh, nghỉ ngơi. Không nhất thiết phải suy nghĩ từng chữ khi đọc, nhưng trái lại cứ thả hồn đi vào nhịp đều đều, đọc qua đối lại của lời kinh. Lại nữa, lời kinh cũng đâu phải là không có nghĩa. Nó làm hiện ra trước mắt và tâm ta những hình ảnh và viễn kiến lớn, nhất là hình ảnh của Maria, và qua Mẹ, là hình ảnh của Chúa Con. Người dân thời đó phải làm lụng nặng nhọc, họ không thể vận dụng trí tuệ nhiều khi cầu nguyện. Trái lại, họ cần một lối cầu kinh giúp họ an tâm, và cũng giúp họ quên đi những âu lo, và mang lại an ủi và ơn lành cho họ. Tôi nghĩ, cái kinh nghiệm cội nguồn của lịch sử tôn giáo đó: kinh nghiệm về sự lặp đi lặp lại, về nhịp điệu và về lời kinh tiếng hát đọc chung này có tác dụng ủi an và giải thoát. Lời kinh đọc chung lan toả đầy không gian, nâng tôi lên, nó không làm cho tôi khó chịu, nhưng đưa tôi vào lắng đọng tâm hồn. Kinh nghiệm cội nguồn đó đã trở nên một thứ gì hoàn toàn Ki-tô giáo, khi, trong khung cảnh mẹ Maria và với hình ảnh Đức Ki-tô này, nó giúp con người cầu nguyện một cách thật đơn giản, nhưng dù vậy, lời kinh vẫn thấm được vào hồn – nó vượt lên trên vòng trí thức, vọng vào hồn và toát ra bằng lời. Ngài có lối lần chuỗi nào khác lạ không? Tôi lần cách rất đơn giản, giống i như cha mẹ tôi đã làm. Cha mẹ tôi rất thích lần chuỗi. Về già, ông bà lại càng thích lần hạt. Càng về già, người ta càng ít khả năng làm những chuyện trí óc lớn, càng cần một nơi trú ẩn tâm hồn, và nhất là càng muốn được hoà chung vào lời cầu của Giáo Hội. Và tôi đã cầu nguyện giống i như ông bà đã làm. Nhưng cầu thế nào? Ngài đọc một hay cả ba chuỗi? Không, ba chuỗi thì nhiều quá, tôi là người vọng động, nên dễ bị chia trí. Tôi chỉ đọc một, hoặc thường là hai hay ba chục thôi, vì rồi có thể lại làm một cái gì khác để khỏi chia trí, để được yên tĩnh, lấy lại tỉnh táo đầu óc. Vì thế, cả chuỗi thì nhiều quá. Câu hỏi cuối của phần này: Phải cần bao nhiêu thời gian người ta mới có thể hiểu được đôi chút về những bí ẩn của đức tin, và cả về nghệ thuật tin? Mỗi người mỗi khác. Có những người rất dễ lắng đọng tâm hồn. Có những kẻ khác khó hơn. Nhưng quan trọng là không được bỏ cuộc, phải kiên trì. Và rồi người ta từ từ sẽ thấy mình lớn lên trong đó. Dĩ nhiên có những thời điểm thuận lợi, mà cũng có những lúc khô khan. Có những lúc mình thật dễ bị đánh động và bắt đầu thấy được đôi chút – nhưng rồi lại có những lúc rất khó khăn. Điều quan trọng trong tiến trình lớn lên của tinh thần này, là không phải chỉ biết cầu nguyện và để tâm vào đức tin những khi mình muốn và cảm thấy thuận lợi mà thôi, nhưng phải giữ kỉ luật. Guardini đã luôn nhấn mạnh điểm này. Nếu chỉ biết cầu nguyện theo hứng thôi, thì đức tin có thể mất. Đức tin cũng cần kỉ luật trong thời hạn hán, có như thế nó mới âm thầm đâm rễ. Cũng giống như cây cỏ vẫn âm thầm tăng trưởng trong cánh đồng mùa đông. “Bánh mì mọc giữa mùa đông”, nhà văn nữ Ida Friedericke Görres đã nói như thế. Và người ta nên bắt đầu cầu nguyện bằng gì? Bằng các câu hỏi? Chẳng bao giờ nên chỉ bằng suy tư mà thôi. Bởi vì nếu ta nhìn Chúa qua ống nghiệm suy nghĩ và muốn hiểu Ngài bằng thuần lí thuyết, thì ta sẽ thất bại. Phải luôn liên kết câu hỏi với hành động. Pascal có lần nói với một người bạn không tin: Trước hết, hãy làm theo những gì người có đức tin làm, cho dù những cái đó xem ra vô lí đối với bạn. Tôi nghĩ, ở điểm này mỗi người có cách riêng của mình. Lịch sử cho thấy, có nhiều người nhìn ra cánh cửa đức tin từ nơi Maria. Nhiều người khác đã thấy được điểm khởi đầu nơi Đức Ki-tô, qua việc đọc Tin Mừng. Tôi cho rằng, đọc Tin Mừng luôn luôn là một cách để bước vào niềm tin. Nhưng không phải đọc như kiểu mấy nhà sử đọc, họ chẻ bản văn ra để tìm xem câu này bắt nguồn từ đâu, í kia từ đâu, nhưng đọc trong tinh thần hướng về Đức Ki-tô, bằng cách luôn biết chuyển vào cầu nguyện khi đọc. Tôi cho rằng có một tương quan qua lại trong các nhịp bước – đôi khi cũng là bước vấp ngã – giữa sống đạo thực hành và việc tìm kiếm trong suy tư. Đức tin không bao giờ đứng trơ trọi một mình, nhưng luôn đi tới với những người tin; những người này hiểu tôi, có thể họ cùng ở trong một hoàn cảnh với tôi, và nhờ thế một càch nào đó có thể giúp đỡ, dẫn dắt tôi. Đức tin luôn lớn lên trong cái chúng-ta. Ai chỉ muốn tin một mình, thì người đó đã bước sai ngay từ đầu.
|